Trong bài viết công bố trên tạp chí khoa học Science Advances, các tác giả cho biết họ khám phá ra rằng quá trình sản xuất mật – một chất rất quan trọng để đào thải cholesterol dư thừa khỏi cơ thể – bị ảnh hưởng bởi tốc độ máu chảy vào gan qua tĩnh mạch cửa từ ruột.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy lưu lượng máu trong tĩnh mạch cửa tăng và giảm suốt cả ngày để đáp ứng trạng thái chuyển động, nghỉ ngơi và lượng thức ăn nạp vào.
Giờ đây, nhóm nghiên cứu từ Đại học Leeds xác định rõ ràng hơn rằng quá trình sản xuất mật cũng tăng theo khi lưu lượng máu trong tĩnh mạch cửa giảm.
Điều này xảy ra khi chúng ta đang tập thể dục hoặc để chiếc bụng trống.
Ngược lại, quá trình sản xuất mật thấp hơn khi lưu lượng máu trong tĩnh mạch của tăng, xảy ra khi chúng ta nghỉ ngơi hoặc ăn.
Mối liên hệ này không chỉ làm rõ hơn việc tập thể dục – hay trái lại là thói quen ngồi lâu, nhâm nhi thức ăn liên tục – ảnh hưởng thế nào đến quá trình tích tụ mỡ trong gan, trong máu của chúng ta.
Nó còn mở ra cơ hội phát triển các phương pháp điều trị mới để giải quyết bệnh tim mạch và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra, các tác giả cũng xác định một loại protein có tên là PIEZO1 phát hiện tốc độ lưu lưu lượng máu qua tĩnh mạch, gây ra phản ứng dây chuyền hóa học, biến cholesterol trong máu thành axit mật để đào thải ra khỏi cơ thể, cũng là thứ có thể tận dụng.
Một trong những chức năng chính của gan là điều chỉnh lượng chất béo trong máu. Vì vậy khi nồng độ cholesterol tăng cao vì không được đào thải kịp thời, bệnh gan nhiễm mỡ có thể phát triển.
Điều này có thể gây tổn thương gan và dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn bao gồm xơ gan, suy gan và ung thư gan.
Bên cạnh đó, các tác giả cũng cảnh báo khi gan không kịp điều chỉnh lượng chất béo này trong máu, chúng ta sẽ đối diện tình trạng gọi là “máu nhiễm mỡ”, với cholesterol “xấu” tích tụ trong lòng mạch, làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.
Nguồn: https://nld.com.vn/phat-hien-dot-pha-ve-chia-khoa-day-lui-gan-nhiem-mo-196241022104257291.htm